VIÊM PHẾ QUẢN Ở TRẺ NHỎ VÀ CÁCH CHĂM SÓC

Khi thời tiết thay đổi, do hệ miễn dịch còn non kém, trẻ em thường mắc viêm phế quản với các biểu hiện như ho, sổ mũi và khó thở. Trẻ bị viêm phế quản thường không quá nguy hiểm nhưng nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

1. Trẻ nào dễ mắc viêm phế quản hơn các trẻ khác?

1.1. Trẻ bị béo phì

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI-Body mass index) cao có liên quan đến viêm phế quản. Có sự tăng nguy cơ xuất hiện viêm phế quản ở thanh thiếu niên thừa cân và béo phì. Nguyên nhân là do sự giảm hoạt động của hệ hô hấp và hạn chế luồng khí có thể bị gây nên bởi trọng lượng cơ thể dư thừa. Vì vậy, duy trì cân nặng phù hợp là một trong những cách giảm nguy cơ mắc viêm phế quản ở trẻ nhỏ.

1.2.Trẻ bị dị ứng đường hô hấp với phấn hoa, bụi nhà, lông súc vật

Trẻ có cơ địa dị ứng có sự tăng tính phản ứng của phế quản, đặc biệt khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Vì vậy, trẻ dễ bị viêm phế quản hơn các trẻ khác trong điều kiện sống như nhau.

1.3. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá

Khói thuốc lá chứa khoảng 4000 chất độc hại. Chúng gây viêm các tế bào lông chuyển đường hô hấp. Đặc biệt ở trẻ em, nếu hít phải khói thuốc lá sớm và thường xuyên, trẻ có nguy cơ mắc viêm phế quản mãn tính.

1.4. Trẻ sống trong những ngôi nhà có độ ẩm cao và có nấm mốc

Môi trường sống chật chội với độ ẩm cao là các yếu tố thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Trẻ em sống trong môi trường như vậy sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản.

2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị viêm phế quản

2.1. Biểu hiện ở giai đoạn khởi phát

Trẻ kém chơi, ăn kém do ngạt mũi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc tiêu chảy.

2.2. Biểu hiện ở giai đoạn toàn phát

Thường là ngày thứ 3 sau khởi phát bệnh, trẻ sốt cao, nhiệt độ từ 38 – 40 độ C, kèm ho nhiều, ho có đờm xanh hoặc vàng. Trẻ thở khò khè, có thể khó thở.

Trẻ ho nhiều có thể dẫn đến nôn ói.

3. Trẻ bị viêm phế quản: Khi nào cần đến gặp bác sĩ ngay?

3.1. Trẻ khó thở, tím tái

Cha mẹ hoặc người thân có thể đánh giá sự khó thở của trẻ một cách dễ dàng bằng đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ trong vòng 1 phút, nên đếm 2 – 3 lần. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức độ thở nhanh của trẻ được tính như sau:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nhịp thở từ 60 lần/phút.
  • Trẻ 2 tháng – 12 tháng tuổi: Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
  • Trẻ từ 1- 5 tuổi: Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.

3.2. Sốt cao

Trẻ sốt ≥ 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc co giật.

3.3. Ho, ngủ li bì, bỏ bú

Trẻ bị ho cơn kéo dài không ngừng. Trong cơn ho trẻ đỏ bừng mặt (ho gà). Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức. Trẻ có thể bỏ bú.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Ho và khó thở là biểu hiện thường gặp của bệnh viêm phế quản.

4. Có thể điều trị dứt điểm viêm phế quản ở trẻ không?

Trẻ bị viêm phế quản có thể tự khỏi nếu được điều trị sớm và đúng cách. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên để chữa dứt điểm bệnh, bằng cách:

  • Giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nước ấm.
  • Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mũi.
  • Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm toàn thân. Chườm ấm đúng cách có thể khiến nhiệt độ cơ thể trẻ giảm đến 1°C. Uống thuốc hạ sốt paracetamol khi nhiệt độ trẻ ≥ 38,5 độ C theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bác sĩ có thể kê cho con bạn thuốc làm loãng đờm như N-acetylcystein, giúp bé ho để đẩy đờm ra khỏi đường dẫn khí dễ dàng hơn.
  • Bệnh chủ yếu do virus gây nên, vì vậy, dùng kháng sinh thường không có tác dụng. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

5. Trẻ bị viêm phế quản nên ăn gì?

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Lúc này cơ thể trẻ yếu, suy kiệt, dễ mất nước, cần bổ sung thức ăn và dưỡng chất phù hợp để trẻ mau hồi phục.

Thực phẩm mà trẻ bị viêm phế quản nên ăn:

  • Tăng cường tôm, cá, rau xanh, chất béo lành mạnh (cá hồi,…).
  • Cho trẻ uống nhiều nước lọc, bổ sung oresol bù điện giải (với trẻ bị sốt cao, tiêu chảy),…

Thực phẩm trẻ bị viêm phế quản nên tránh:

  • Thức ăn/thực phẩm có nhiều đường.
  • Nước ngọt có gas (khiến tình trạng tiêu chảy có thể trầm trọng hơn).
  • Tránh thức ăn nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa (tinh bột nguyên hạt,…).

Các nguyên tắc chế biến/ăn uống:

  • Nên ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn không quá nhiều.
  • Thức ăn nên được chế biến ở dạng nhừ, loãng (cháo, nước, bột,…) để dễ tiêu.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Nắm rõ những dấu hiệu nặng của bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện.

6. Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ

  • Giữ ấm cho trẻ, giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay chăn nệm sạch sẽ.
  • Với trẻ đã bị dị ứng với phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà,…, cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân trên. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá,…
  • Chủ động cách ly với người lớn hoặc trẻ nhỏ khác đang mắc bệnh đường hô hấp.
  • Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ như vaccine phế cầu, vaccine Haemophilus influenza,…

Trẻ bị viêm phế quản có thể tự khỏi nếu được phát hiện sớm và cha mẹ trẻ xử trí đúng cách. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến nặng, gây những hậu quả nặng nề cho trẻ. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ những dấu hiệu nặng của bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện, nơi bác sĩ có thể khám và điều trị cho trẻ một cách tốt nhất và toàn diện nhất.M

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888866918