Viêm VA cấp tính và phương pháp điều trị

Viêm VA cấp tính là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển thành mãn tính, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, khiến trẻ mệt mỏi lười biếng, buồn ngủ, kém thông minh. Vậy khi trẻ bị viêm VA nên điều trị thế nào cho đúng?

1. Viêm VA cấp tính là gì?

 

V.A (Végétations Adénoides) là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer, còn gọi là amidan Luschka – đây là hàng rào bảo vệ cơ thể ở vùng mũi họng. V.A phát triển mạnh ở lứa tuổi nhỏ và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi.

Viêm V.A cấp tính là viêm nhiễm cấp tính, xuất tiết hoặc có mủ ở amidan Lushka ngay từ nhỏ, cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn (nhưng rất hiếm).

2. Viêm V.A cấp tính biểu hiện như thế nào?

2.1. Triệu chứng toàn thân

 

Ở trẻ sơ sinh, bắt đầu đột ngột, sốt cao 40 độ C – 41 độ C, thường kèm theo những hiện tượng phản ứng dữ dội như: co thắt thanh môn, co giật.

Ở trẻ lớn hơn cũng có thể bắt đầu đột ngột sốt cao, kèm theo co thắt thanh quản, đau tai và có khi có phản ứng màng não nhưng diễn biến nhẹ hơn ở trẻ sơ sinh.

2.2. Triệu chứng cơ năng

Trẻ ngạt mũi, trẻ sơ sinh có thể ngạt mũi hoàn toàn phải thở bằng miệng, thở nhanh, nhịp không đều, bỏ ăn, bỏ bú.

Trẻ lớn hơn không bị ngạt mũi hoàn toàn nhưng thở ngáy, nhất là về đêm, tiếng nói có giọng mũi kín.

Ở người lớn nếu có còn bị viêm họng sau lưỡi gà, ù tai, nghe kém.

2.3. Triệu chứng thực thể

+ Khám ở hốc mũi có thể thấy đầy mủ nhầy, không thể hoặc khó khám vòm họng qua mũi trước. Ở trẻ lớn, nếu hút sạch mũi nhầy trong hốc mũi, đặt thuốc làm co niêm mạc mũi thì có thể nhìn thấy tổ chức V.A ở nóc vòm phủ bởi lớp mủ nhầy.

+ Khám họng thấy niêm mạc đỏ, một lớp nhầy trắng, vàng phủ trên niêm mạc thành sau họng từ trên vòm chảy xuống.

+ Khám tai: màng nhĩ mất bóng, trở nên xám đục, hơi lõm vào do tắc vòi nhĩ, triệu chứng rất có giá trị để chẩn đoán V.A.

+ Có thể sờ thấy hạch nhỏ ở góc hàm, rãnh cảnh, có khi cả ở sau cơ ức – đòn – chũm, hơi đau, không có hiện tượng viêm quanh hạch.

+ Nội soi mũi sau hoặc soi cửa mũi sau gián tiếp bằng gương nhỏ ở trẻ lớn và người lớn sẽ thấy được tổ chức V.A ở vòm mũi – họng sưng đỏ, to, có mủ nhầy phủ lên trên.

3. Điều trị viêm V.A cấp tính

3.1. Nguyên tắc điều trị

Đối với viêm V.A cấp tính, chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.

3.2. Điều trị cụ thể

+ Điều trị bằng hút mũi, nhỏ mũi để bệnh nhân dễ thở và thuốc sát trùng nhẹ (ephedrin 1%, argyron 1%) dùng cho trẻ nhỏ.

+ Khí dung mũi: corticoid và kháng sinh.

+ Kháng sinh toàn thân: dùng cho những trường hợp nặng và có biến chứng.

+ Nâng đỡ cơ thể.

+ Những trường hợp viêm cấp tính kéo dài, thầy thuốc phải sờ vòm để giải phóng mủ tụ lại trong tổ chức V.A hoặc nạo V.A “nóng” với điều kiện cho kháng sinh liều cao trước và sau khi điều trị, nhưng rất hãn hữu.

3.3 Khi nào cần phẫu thuật nạo V.A?

Có thể thấy chỉ trong trường hợp viêm VA cấp tính kéo dài và có kháng sinh liều cao trước và sau khi điều trị, việc phẫu thuật nạo VA mới được diễn ra, nhưng trường hợp này là rất hiếm. Hầu hết các trường hợp viêm VA cấp tính, việc điều trị vẫn tiến hành bằng các biện pháp như hút mũi, nhỏ mũi, khí dung mũi, kháng sinh toàn thân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888866918