Viêm gan là tình trạng gan bị nhiễm trùng và tổn thương tế bào gan. Nhiều nước mới đây đã ghi nhận những ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên chú ý đến trẻ nhưng không cần hoảng sợ.
Bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn có liên quan đến COVID-19 không?
Đến nay, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có liên quan gì tới Covid-19 và vắc xin Covid-19 hay không? Hiện, không có bằng chứng cho thấy vắc xin Covid-19 liên quan gì đến sự gia tăng đột biến các ca viêm gan. Ở Anh, nơi tập trung nhiều ca viêm gan nhất, không có trường hợp nào trong số này được tiêm vắc xin Covid-19, bởi trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa hề được tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Các nhà khoa học và dịch tễ cho biết, hai bệnh lý viêm gan lạ và Covid-19 không có sự liên quan trực tiếp. Nhưng có nhiều yếu tố trong khi đại dịch chưa kết thúc mà người dân cần phải lưu ý:
- Thứ nhất, trong lúc Covid-19 phải giãn cách xã hội, người dân quan tâm tới vấn đề phòng ngừa, cách ly nên ít người mắc bệnh. Nhưng khi “sống chung với Covid-19”, các biện pháp được nới lỏng, nhiều bệnh lây nhiễm sẽ tăng lên, nhiều trẻ không có miễn dịch chống adenovirus sẽ bị yếu đi, khi nhiễm virus có thể gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Thứ hai, sau Covid-19 nhiều người chủ quan, lơ là vấn đề phòng bệnh. Người dân chỉ quan tâm các triệu chứng mất mùi, đau họng, sốt, khó thở mà quên đi hoặc nhầm lẫn triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm khác.
- Thứ ba, không liên quan trực tiếp tới Covid-19, nhưng khi đồng nhiễm Covid-19 với adenovirus, virus này dễ đột biến hơn, độc lực hơn chứ không phải do nhiễm Covid-19 gây ra tình trạng nặng hơn.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM khuyến cáo nếu virus Adeno lây lan tới Việt Nam, cơ địa không bị tấn công vô gan thì giống cảm cúm. Người dân không nên lo lắng, hoang mang trước căn bệnh viêm gan cấp. Khi thấy trẻ có các biểu hiện cảnh báo trên, đặc biệt da vàng và đi tiểu sậm màu thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
“Khi thấy con bị nóng sốt, người dân có tâm lý nghĩ là “hậu Covid-19” chứ không nghĩ là bệnh khác, dịch Covid-19 khiến người dân ngại đi điều trị, khiến bệnh có thời gian phát triển nặng hơn”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Tại Việt Nam có thể làm các xét nghiệm RT-PCR để phát hiện những ca bệnh adenovirus gây viêm gan cấp một cách chuẩn nhất, có kết quả chính xác nhất có thể ngay từ thời điểm sớm.
Phác đồ điều trị bệnh viêm gan lạ ở trẻ em hiện nay
Hiện nay, vẫn chưa có phác đồ và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm gan lạ ở trẻ. Điều trị viêm gan do adenovirus gây ra chủ yếu vẫn là các biện pháp điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, chuyên gia Fischer của Tổ chức Children’s Mercycho biết: “Cùng với thời gian và lưu ý đáp ứng các nhu cầu của trẻ (chẳng hạn như truyền dịch nếu trẻ mất nước), sức khỏe trẻ thường tự hồi phục. Gan hoàn toàn có khả năng tự chữa lành, và không cần phải lo lắng về di chứng lâu dài sau khi sức khỏe đã hồi phục trở lại.”
Trong trường hợp viêm gan nặng, một số liệu pháp điều trị có thể giúp gan hồi phục trở lại, tùy theo căn nguyên gây ra bệnh. Cũng theo chuyên gia Fischer, cần xem xét những ca trẻ viêm gan nặng gần đây ảnh hưởng tới số trường hợp cần ghép gan điển hình như thế nào. Tuy nhiên, chưa có đủ dữ liệu cho thấy nó sẽ ảnh hưởng tới số ca ghép gan hàng năm.
Hiện ở nước ngoài, phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt ở trẻ có tình trạng viêm gan nặng là ghép gan để qua cơn nguy kịch. Những trường hợp nặng không được ghép gan đều tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm triệu chứng rất có giá trị để can thiệp, điều trị cho trẻ.